Hướng dẫn cách xử lý dây cung niềng răng đâm vào má

Dây cung niềng răng cọ vào môi, má là tình huống tương đối hay gặp ở các bạn đang niềng răng, đặc biệt trong giai đoạn đầu sau khi gắn mắc cài. Dưới đây là các hướng dẫn xử trí khi dây cung niềng răng đâm vào má giúp bạn khắc phục sự cố này tạm thời trước khi sắp xếp được thời gian quay lại nha khoa thăm khám.

Nguyên nhân dây cung niềng răng đâm vào má

Dây cung là khí cụ không thể thiếu trong quá trình chỉnh nha, có tác dụng tác động lực lên răng thông qua các mắc cài. Bình thường dây cung được cố định vào tất cả các mắc cài từ răng trước đến răng sau.

Vì dây cung được chế tạo từ kim loại nên nếu phần đuôi dây sau cùng ở vị trí răng cuối cùng bị lộ ra ngoài, nó sẽ cọ vào má của bệnh nhân và gây đau. Vì vậy sau khi cố định dây cung vào mắc cài, bác sĩ cần có các thao tác xử lý đuôi dây cung như phủ nhựa vào đuôi dây, bẻ cong đuôi dây hoặc cắt bỏ đuôi dây.

Dây cung có thể bị tuột ra khỏi mắc cài và đâm vào má 
Dây cung có thể bị tuột ra khỏi mắc cài và đâm vào má 

Dưới đây là những nguyên nhân dây cung niềng răng đâm vào má:

  • Nhựa phủ đuôi dây bị bung trong quá trình ăn nhai

Sau khi thay dây cung, đặc biệt là những dây cung có kích thước nhỏ, bác sĩ thường có động tác bẻ cong đuôi dây và phủ ngoài đoạn bẻ cong bằng một chút nhựa (composite) có tác dụng che đi phần kim loại sắc nhọn. Nhựa này cứng, trơn nhẵn nên ít gây đau cho bệnh nhân.

Tuy nhiên trong quá trình ăn nhai phần nhựa này có thể bị bung ra khiến đầu dây lộ ra ngoài và cọ vào má của bạn.

  • Đuôi dây thừa ra nhiều do sự dịch chuyển của răng

Có nhiều cơ học dịch chuyển răng được áp dụng tùy từng trường hợp, trong đó có nhiều bác sĩ ưa thích sử dụng cơ chế trượt. Nghĩa là răng dịch chuyển bằng cách trượt lên đoạn dây cung đi ngang qua rãnh mắc cài. Khi các chuyển động này diễn ra, đầu dây cung ở sau dần sẽ lộ nhiều hơn theo sự dịch chuyển của răng. Nếu đầu dây thò ra nhiều mà không được cắt đi thì chúng sẽ đâm vào má của bệnh nhân.

  • Dây cung không được cố định chặt với mắc cài

Trong nhiều trường hợp, đặc biệt là khi răng của bạn đã được dàn đều hoàn toàn, nếu dây cung đang sử dụng có kích thước nhỏ, nó rất dễ trượt tự do trong rãnh mắc cài nếu không được cố định chặt.

Dây chun bị đứt hoặc mắc cài tự động không được cố định sẽ khiến dây cung bị tuột
Dây chun bị đứt hoặc mắc cài tự động không được cố định sẽ khiến dây cung bị tuột

Khi này dưới tác dụng của lực ăn nhai, nó sẽ bị trượt về một phía khiến cho đầu dây ở bên này dài ra rất nhiều, còn đầu dây phía bên kia thì bị ngắn đi. Đây cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng dây cung đâm vào má.

  • Các đoạn loop/gấp khúc được bẻ trên dây cọ vào môi má

Trong các kĩ thuật niềng răng, có nhiều bác sĩ ưa thích sử dụng kĩ thuật bẻ dây cung, nghĩa là từ một đoạn dây thẳng liên tục, bằng những chiếc kìm chuyên dụng, bác sĩ sẽ bẻ nó thành những hình dạng khác nhau tạo ra các loop/các đoạn gấp khúc nhô ra khỏi bề mặt của răng. Những đoạn dây cồng kềnh này sẽ đâm vào môi, má của bạn nếu mô mềm của bạn quá dày hoặc bác sĩ không chỉnh sửa vị trí đúng của chúng.

Hướng dẫn cách xử trí khi dây cung niềng răng đâm vào má

Dây cung đâm vào má khiến cho niêm mạc miệng bị tổn thương, thậm chí bị loét gây ra cảm giác đau đớn, khó chịu. Dưới đây là những hướng dẫn xử trí khi bạn gặp phải tình trạng này:

  • Quay lại nha khoa để bác sĩ xử lý

Cách tốt nhất để xử lý vấn đề này là quay lại nha khoa và báo với bác sĩ của bạn. Với các dụng cụ chuyên dụng có trong tay, bác sĩ sẽ tìm ra nguyên nhân và cách giải quyết nhanh chóng, hiệu quả nhất.

  • Đắp sáp chỉnh nha/bông ẩm

Nếu bạn không thể sắp xếp thời gian quay lại nha khoa ngay lập tức hoặc nguyên nhân là do môi má của bạn chưa quen với dây cung, hãy sử dụng sáp chỉnh nha hoặc bông ẩm để che phủ đầu dây cung đang cọ vào môi má của bạn.

Sáp chỉnh nha có thể giúp cố định dây cung vào mắc cài 
Sáp chỉnh nha có thể giúp cố định dây cung vào mắc cài 

Trước tiên hãy lấy 1 mẩu sáp hoặc 1 chút bông ẩm, vo tròn lại, dùng tay hơi banh má để lộ đầu dây cung, sau đó đắp sáp hoặc đắp bông ẩm vào đầu dây. Đây chỉ là giải pháp tạm thời giúp bạn hạn chế sự cọ sát liên tục, sau khi sắp xếp được thời gian, hãy quay lại nha khoa để gặp bác sĩ nhé.

  • Dùng thuốc tê bề mặt

Nếu tổn thương khiến bạn đau nhiều ảnh hưởng đến sinh hoạt, bạn có thể ra hiệu thuốc và mua thuốc giảm đau do loét niêm mạc hay nhiệt miệng. Thành phần của chúng là thuốc tê có tác dụng làm tê bề mặt niêm mạc giúp giảm đau cho bạn.

  • Dùng các dụng cụ sẵn có để chỉnh dây cung

Nếu bạn có thể xác định được nguyên nhân khiến dây cung đâm vào má, hãy thử sử dụng các dụng cụ sẵn có trong nhà để điều chỉnh chúng. Chẳng hạn như bạn có thể dùng kéo để cắt bớt đầu dây cung nhỏ, hoặc dùng nhíp để chỉnh đuôi dây cung bị trượt,… Thậm chí một số bạn có thể dùng tay để trượt lại dây cung giúp đưa đầu dây trở về vị trí đúng.

  • Vệ sinh răng miệng thật sạch

Khi đã bị tổn thương niêm mạc má thì việc vệ sinh răng miệng sạch là yếu tố tối quan trọng. Vệ sinh sẽ giúp cho vết thương mau lành hơn và giảm đau hơn.

Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn có những cách xử trí thích hợp nếu gặp tình huống dây cung cọ vào má. Nếu bạn có bất kì thắc mắc nào, hãy liên hệ với chúng tôi để được giải đáp nhé.

 

5/5 - (1 bình chọn)
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x